Jour : 22 février 2016

HỒNG MINH : GS-TS Trần Quang Hải: Tôi dám làm những điều mà ba tôi không làm!

GS-TS Trần Quang Hải: Tôi dám làm những điều mà ba tôi không làm!

gs-tran-quang-hai-tu-bo-viec-thanh-lap-quy-va-nha-tuong-niem-tran-van-khe

Sống ở Paris gần như cả đời người để nghiên cứu âm nhạc truyền thống, những năm gần đây, ông ngày càng có nhiều chuyến trở về quê nhà. Mỗi lần trở về là lịch công việc của ông kín mít. Khó khăn lắm tôi mới được gặp ông trong giờ nghỉ buổi trưa tại khách sạn, trong một cuộc hội thảo quốc tế về âm nhạc dân tộc. Cuộc trò chuyện của chúng tôi, xoay quanh những chuyến đi – về, những con đường để đến với âm nhạc dân tộc.

Ba ơi, có nhận con làm học trò không ?

– Thưa GS-TS Trần Quang Hải, cuối cùng thì ông lại tiếp nối con đường mà ba ông – GS-TS Trần Văn Khê đã đi?

– Hẳn vậy rồi, tôi là đời thứ năm trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Các ông, cụ kỵ tôi đều là những người chơi đàn tranh và hát đờn ca tài tử. Đến đời ba tôi được đi học Tây học và nghiên cứu cổ nhạc dân tộc nói chung.

Tôi là học trò của ba tôi. Trong hơn 10 năm theo học đúng kiểu cha truyền con nối, tôi hấp thụ được những điều quý báu về kiến thức và cả niềm đam mê từ ông. Biết chơi đàn tranh, biết trình diễn nhiều nhạc cụ dân tộc, tôi cũng biết một cách tổng quát nhất các loại hình âm nhạc Việt Nam như tuồng, chèo, xẩm, chầu văn… hát cung đình, các điệu hò, ca Huế, rồi hát bài chòi, đờn ca tài tử… Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trên đất nước tạo đều có một tài sản âm nhạc riêng biệt, tạo cho Việt Nam một bộ mặt âm nhạc đặc sắc. Càng nghiên cứu tìm hiểu càng đam mê.

– Nhưng, nghe nói rằng hồi nhỏ, ông đã được đào tạo để trở thành người chơi đàn violin? Có phải chính GS-TS Trần Văn Khê đã thuyết phục ông từ bỏ cây đàn kinh điển của âm nhạc Tây phương đó để quay trở về với cây đàn dân tộc?

– Tôi tốt nghiệp khoa violin ở Sài Gòn, sau đó sang Pháp là để tiếp tục học để làm thầy dạy violin. Khi đó ba tôi đang ở Pháp, và ông đưa tôi đến gặp một giáo sư violin nổi tiếng, là bạn của ông. Khi tôi đến gặp vị giáo sư đó, ông đưa cho tôi cây đàn của ông, bảo tôi chơi. Tôi lần đầu tiên nhìn thấy cây violin sang trọng và rất đắt tiền, run lắm. Nhưng sau một lúc lấy lại tinh thần, tôi chơi mấy bản. Xong vị giáo sư đáng kính nói rất từ tốn: “Cháu đàn nghe tạm được, khả năng của cháu mà được đào tạo tốt, may ra có thể trở thành một giáo sư violin giỏi, những người như thế có hàng chục nghìn ở Pháp. Nếu cháu giỏi hơn, được vào chơi ở Dàn nhạc quốc gia opera của Pháp, ngoại hạng hơn nữa thì trở thành nghệ sĩ biểu diễn trên thế giới- có hàng trăm người như thế ở Pháp. Nước Pháp không cần thêm một nghệ sĩ violin, mà cần hơn một nghệ sĩ, một chuyên gia âm nhạc dân tộc Việt. Sao cháu không quay về cội nguồn”?

Khi đó tôi rất buồn. Về nhà ngồi khóc. Một tuần lễ sau, tôi đến gặp ba tôi và quỳ xuống: “Ba ơi ba có nhận con làm học trò không?” Chỉ chờ có thế, ba ôm tôi, hai cha con ôm nhau khóc. Sau này tôi mới hiểu, đó chính là mong ước của ba. Chính ông đã nói với giáo sư violin khuyên tôi nên trở về với âm nhạc dân tộc.- Hiểu theo nghĩa nào đó, thì đối với một người trẻ, việc học âm nhạc dân tộc rõ ràng là phải định hướng, hoặc là bắt buộc, chứ khó mà để tự nguyện không áp đặt?

– Không bắt buộc được tụi nhỏ đâu. Mình phải làm sao để tụi trẻ cảm thấy cái hay cái đẹp, sự hấp dẫn của cổ nhạc để họ có thể ngồi nghe, mà không phải bắt ép. Chừng nào ta còn bắt ép thì chừng đó đều không được. Thực ra, nếu đã để ý rồi, nghe rồi, tìm hiểu, thì sẽ thấy cổ nhạc của cha ông hay lắm. Ba tôi cũng không hề áp đặt trực tiếp đối với tôi về việc học cổ nhạc. Ông chỉ truyền dạy cho tôi kiến thức, đam mê, nhưng đến khi tôi lựa chọn con đường để đi, để thuyết phục tôi thay đổi, chính ông cũng không nói mà phải nhờ một người khác nói.

Di sản không chỉ ở trong hồ sơ- Có một điều hơi trái khoáy là, khi ở trong nước thì ông học violin, còn khi ra nước ngoài, ông lại học đàn tranh và mày mò nghiên cứu về âm nhạc dân tộc. Chắc hẳn rằng, việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc ở bên ngoài đất nước mình sẽ gặp nhiều trở ngại hơn?

– Cũng có điều thuận lợi mà cũng có trở ngại. Thuận lợi là ở Paris, tôi được tiếp cận với phương pháp nghiên cứu tiên tiến và môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Cách tiếp cận lý thuyết khoa học là rất căn bản và hệ thống. Hơn nữa, ở đây, tôi cũng được tiếp xúc với kho tàng tư liệu khổng lồ về âm nhạc dân tộc Việt qua các bảo tàng, các viện lưu trữ. Khi tôi là chuyên gia về âm nhạc dân tộc Á châu ở Viện Bảo tàng con người, tôi được tiếp xúc với những tư liệu gốc, những hiện vật mà có khi cả ở Việt Nam đã không còn giữ được. Ở đó có khoảng 8500 loại nhạc cụ từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ riêng về âm nhạc Việt Nam có mấy trăm cây đàn. Qua cái nhìn so sánh với âm nhạc của các dân tộc khác trên thế giới, tôi biết Việt Nam có những cây đàn hết sức đặc thù với những bồi âm độc đáo: đó là đàn bầu, đàn nhị, và đàn đáy. Ở đó, cũng có những đĩa nhạc thu cả mấy trăm giờ trình diễn, do các cha cố đạo ngày xưa thu âm mang về Pháp. Có đầy đủ từ cồng chiêng, dân ca của Ê Đê, Gia Rai, Chăm, Xê đăng… Kho tàng quý giá này, ở Việt Nam không có. Đó là may mắn của tôi, khi được biết đến âm nhạc Tây Nguyên khá đầy đủ ngay từ ngoài nước, trước cả khi ở Việt Nam có người nghiên cứu về âm nhạc Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tất cả những cái đó, tôi vẫn nghĩ như là mình đang ăn đồ hộp, thiếu chất tươi. Đó là việc mình không được nghe âm nhạc dân tộc trực tiếp, không được tận hưởng các nghệ nhân trình diễn ngồi trước mặt mình đàn như thế nào, không được thấy họ vừa hát nhảy múa, nét mặt biểu cảm làm sao, cũng như không được tận thấy môi trường biểu diễn chung quanh họ như thế nào. Đối với người nghiên cứu, đó là một bất lợi.

– Vậy, đến bao lâu thì ông trở về nước và được bổ sung “những chất tươi” ấy?

– Bốn mươi hai năm sau khi rời xa quê hương, tôi mới có dịp trở về. Đó là vào năm 1990- tôi về Hà Nội và được xem và nghe múa rối nước lần đầu tiên, rồi nghe ca trù của nhóm Thái Hà, biết bà Hà Thị Cầu hát xẩm. Sau đó tôi vào miền nam và nghe nhạc lễ, đi xem cải lương, đờn ca tài tử, được xem Hải Phượng đàn tranh, rồi một vài nhóm đàn tranh… nhưng thực ra rất lớt phớt vài hình ảnh thôi. Sau này thì mới có dịp thưởng thức nhiều hơn. – Cảm nhận của ông từ, những thực tế sau này đó, có khác xa với tư liệu mà ông tiếp xúc ở nước ngoài? – Có sự mất mát rất nhiều so với bề dày trong tư liệu mà tôi tìm thấy. Tuy nhiên, sự phát triển hiện nay lại rất nhanh chóng. Nhưng tôi nhận thấy vấn đề rõ nhất là thiếu môi trường. Bây giờ có nhiều người trẻ tuổi xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, nhưng họ không có môi trường để biểu diễn. Có lần tôi đi công tác, ở trong khách sạn Hilton. Ngay tại sảnh thấy một cô gái trang phục rất chỉn chu, ngồi chơi đàn tranh nghiêm túc, gần một tiếng đồng hồ, mà người qua lại không ai để ý. Tôi thấy cô ấy ngồi đàn lơ đãng, rất buồn. Khi tôi lại gần hỏi chuyện, cô ấy rất ngạc nhiên, bởi tôi có thể nói với cô ấy bài gì và đờn ra sao. Tôi hiểu rằng, những khách hàng biết nghe đờn tranh rất hiếm, am hiểu lại càng không. Đó là cái thiếu. Bây giờ, trong các khách sạn, nhà hàng có nhiều ban nhạc dân tộc chơi chỉ để cho người ta ăn cơm. Thực khách có thể không hiểu bài gì, nhưng có thể vẫn vỗ tay nồng nhiệt rồi tặng cho nghệ sĩ một bông hoa có kèm chút tiền. Rồi khách hàng có khi cũng lên hát một bài cho vui, chả hề là âm nhạc, những chuyện đó có thể cho vui, nhưng cũng có thể sẽ là loạn chuẩn.

– Nhưng có thể nói âm nhạc dân tộc Việt Nam đang được quan tâm bảo tồn hơn bao giờ hết, khi mà ngày càng có nhiều hồ sơ đề nghị UNESCO xét tặng danh hiệu Di sản phi vật thể nhân loại và cũng nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đã được công nhận. Theo ông, hẳn đó là điều đang mừng?

– Gần đây khi mà nhạc cung đình Huế, rồi cồng chiêng, quan họ, ca trù… được công nhận là Di sản nhân loại, phong trào phục hồi âm nhạc dân tộc được quan tâm. Đây là điều tốt, nhưng có khi thái quá. Khi mà mình đề cao quá di sản của mình, nó đi tới chỗ lạm phát, cái gì cũng muốn được UNESCO nhìn nhận, cứ đưa hồ sơ, đưa hồ sơ xét duyệt thật nhiều. Người ta có thể dàn dựng cảnh quay, thu âm để làm hồ sơ. Nhưng điều đó có làm cho di sản thực sự “sống lại” hay không?

Điều quan trọng mà chúng ta cần làm là phục hồi di sản, làm cho di sản sống lại thật sự trong đời sống, chứ không phải trong hồ sơ.

Thử nghiệm có thể làm cho mình chết – Có thể nói, nghiên cứu cổ nhạc dân tộc ở nước ngoài, chính là con đường tốt nhất để đưa âm nhạc Việt Nam có tên trên bản đồ âm nhạc thế giới, để những người bạn nước ngoài biết rằng, Việt Nam có một di sản âm nhạc dân tộc quý giá, và hấp dẫn? Vậy, cái cách của ông là làm như thế nào, khi trước đó, ba ông đã dường như làm tất cả? – Tôi dám làm những điều mà ba tôi không làm. Tôi không muốn dẫm chân theo cái bóng đã quá lớn của ba tôi. Nghiên cứu và viết các bài giới thiệu, công bố những nghiên cứu của mình đối với thế giới là việc chính. Nhưng tôi cũng muốn những người nước ngoài biết đến âm nhạc Việt Nam không phải theo kiểu ăn đồ hộp: Tôi học kỹ thuật trình diễn, cốt để sao cho người ta chú ý đến mình. Tôi đã trình diễn hơn 3500 buổi tại 70 quốc gia trên thế giới, để giới thiệu những nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam. – Vâng, ông là bậc thầy đàn môi, gõ muỗng, và đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam, cũng hiếm hoi trên thế giới, là người dám tự cho dùng tia hồng ngoại nội soi thanh quản của mình, tìm ra kỹ thuật hát đồng song thanh để trình diễn trong hát tuồng? – Đúng, để tôi hát cho cô nghe, như thế này này (ông hát bằng một giọng trầm, thật, rồi sau đó đằng hắng, hát lại bằng một giọng cao vút từ đâu đó trong lồng ngực, và rồi hát hai giọng cùng một lúc). Đó là kỹ thuật hát của người Mông Cổ. Nó cho phép mình cái khả năng biểu diễn rất thú vị. – Nhưng khi cho phép dùng hóa chất có thể gây ung thư để soi vào cổ họng mình như thế,hẳn ông cũng lường trước được những rủi ro có thể xẩy ra? Được biết, GS-TS Trần Văn Khê đã rất lo lắng khi ông làm như vậy? – Khi mình làm nghiên cứu, thử nghiệm, mình không biết hậu quả thế nào. Thử nghiệm có thể làm cho mình chết, cũng có thể mang lại cho mình những nhận thức đột phá. Tất cả mọi nghiên cứu có thành quả đều là ngẫu nhiên, chẳng ai biết trước được. Ba tôi đã lo lắng vì tôi dám làm những điều mà ba tôi không làm. Nhưng tôi là người nghiên cứu, khác với người đi trình diễn ở chỗ, tôi phải biết mình hát ở chỗ nào, âm thanh giọng hát mình thoát ra từ đâu…- Vâng, và cuối cùng nhờ kỹ thuật hát đồng song thanh đó, mà thế giới chú ý đến ông, như một người trình diễn âm nhạc dân tộc đặc biệt?

– Đúng, đi đâu tôi cũng được yêu cầu hát tuồng với kỹ thuật đồng song thanh, và gõ muỗng, trình diễn đàn môi… Tôi cho rằng, muốn làm cho thế giới biết đến mình, trước hết mình phải khác họ, phải có những điều mà họ không có. Đừng nghĩ rằng âm nhạc truyền thống của mình hay hơn họ, không cần làm gì tự thế giới sẽ phải chú ý đến. Mình chỉ là một bông hoa với màu sắc khác lạ, hương thơm khác lạ trong vườn hoa âm nhạc thế giới thôi, và mình phải giữ cho được cái bản sắc đó.

– Xin cám ơn Giáo sư vì cuộc trò chuyện. Chúc ông tiếp tục bền bỉ với con đường kiên định và nhiều sáng tạo của mình.

HỒNG MINH (thực hiện)
Theo Nhân dân điện tử

http://catruthanglong.com/vi/Tin-tuc/giaosu-tranquanghai-toimuonlam-dieubatoikhonglam.html


WIKIPEDIA : tiểu sử TRẦN QUANG HẢI

Trần Quang Hải

cropped-tqh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Hải (sinh năm 1944) là một chuyên gia về âm nhạc châu Á người Việt Nam.

Mục lục

Thân thế

Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm 1944, tại Linh Ðông, quận Thủ Ðức, tỉnh Gia Định. Ông là hậu duệ đời thứ năm của nhạc sĩ cung đình Huế, Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ bốn của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà, Trần Quang. Ông là con trai trưởng của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ Trung học Gia Long.

Sự nghiệp

Chịu ảnh hưởng truyền thống gia đình, ông sớm định hướng theo con đường âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp khoa violin tại trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin.[1]. Ở đó được cố vấn bởi trưởng dàn nhạc giáo sư Yehudi Menuhin ông đổi sang học các loại nhạc cụ dân tộc khác tại các trường đại học: Louvre, Sorbonne (Paris, Pháp), đại học Cambridge (London, Anh). Ông Hải sau đó lấy bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp, người thứ hai lấy bằng này sau cha của mình.[2]
Ông bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con Người (Musée de l’Homme) Paris (Pháp) từ năm 1968. Ông đã có những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực Dân tộc âm nhạc học như: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… đang được thế giới quan tâm. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế [3]

Ông và vợ là nghệ sĩ Bạch Yến, đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới… [4]

Danh hiệu

Ông được tôn xưng danh hiệu « vua muỗng » sau khi chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng trong khuôn khổ Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge, Anh vào năm 1967. Tính ra, ông có hơn 60 năm gắn bó với những giai điệu từ muỗng. Ông từng biểu diễn « gõ muỗng » trong hơn 1.500 chương trình biểu diễn, buổi sinh hoạt âm nhạc ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu – âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.[5]

Đời tư

Ông lập gia đình với nữ ca sĩ Bạch Yến (ca sĩ) ngày 17 tháng 6 năm 1978 tại Paris (Pháp).[6] Trước đó ông có một người con gái riêng. Hai ông bà sau này không có con nhưng sống hạnh phúc [7].

Chú thích

Liên kết ngoài