Jour : 3 septembre 2020

NGUYỄN THẾ KHOA: TRƯỜNG QUỐC NHẠC VIỆT TẠI SAO KHÔNG VÀ BAO GIỜ?

gs TRAN VAN KHE

1d  · Một câu hỏi cách đây hơn 15 năm giờ vẫn là thời sự trong dịp kỷ niệm 75 năm một Việt Nam độc lập!TRƯỜNG QUỐC NHẠC VIỆT NAMTẠI SAO KHÔNG VÀ BAO GIỜ?Thành lập một trường Quốc nhạc VN đã là ao ước của nhiều thế hệ nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sư nổi tiếng của âm nhạc Huế, từ những năm 1960, trong lòng chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đã từng hình thành một “Tỳ bà viện” như một nơi lưu giữ và đào tạo âm nhạc truyền thống VN ngay tại Đại Nội trong kinh thành Huế. Những năm 1970, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba còn xây dựng khoa Quốc nhạc trong Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng việc thành lập Viện nghiên cứu âm nhạc với nhiệm vụ nghiên cứu âm nhạc truyền thống VN, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng của viện, là người đầu tiên nêu ra ý tưởng cần sớm có các trường Quốc nhạc VN song song với các nhạc viện đang tồn tại chủ yếu là dạy và học âm nhạc nước ngoài. Ý tưởng của Lưu Hữu Phước đã nhận được sự ủng hộ của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Tô Vũ ở trong nước và đặc biệt là của các GSTS Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong từ Pháp và Mỹ. Tiếc rằng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã mất sớm vì trọng bệnh, chưa kịp đề đạt chính thức với nhà nước ý tưởng quan trọng này. Những năm gần đây, khi vấn để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong giao lưu và hội nhập được đặt ra ngày càng cấp thiết, việc xây dựng hệ thống các trường Quốc nhạc VN lại trở thành mối quan tâm thao thức lớn của không ít nhạc sĩ và các nhà khoa học âm nhạc. Cuối năm 2000, từ TPHCM, GSTS, nhạc sĩ Thế Bảo đã cho công bố bài báo “Phác thảo trường Quốc nhạc VN”. Đầu năm 2002, hơn 40 nhạc sĩ, nhà nghệ thuật học tham gia hội thảo “Hướng tới một học viện nghệ thuật dân tộc” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hóa Dân tộc, báo Điện ảnh Kịch trường và tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức, đều thống nhất kiến nghị hình thành một hệ thống nghiên cứu, đào tạo riêng của nghệ thuật dân tộc, trong đó có mô hình các trường Quốc nhạc VN.Tất cả các ý kiến đều cho rằng hệ thống âm nhạc bình quân luật phương Tây đang được dạy và học tại các nhạc viện VN hiện nay và hệ thống âm nhạc truyền thống VN hoàn toàn khác nhau về mỹ học, nhạc lý, nhạc luật, cấu trúc, phối âm phối khí, thể loại và môi trường diễn xướng. Việc đặt khoa âm nhạc truyền thống dân tộc nằm trong các nhạc viện này và được tổ chức giảng dạy theo những tiêu chuẩn, phương pháp phương Tây đã làm cho âm nhạc dân tộc lệch hướng và biến thái. GSTS Trần Văn Khê nhấn mạnh rằng việc dạy âm nhạc dân tộc tại các nhạc viện VN hiện nay chẳng khác gì việc dạy tiếng Việt ở các trường học VN thời Pháp thuộc, khi tiếng Việt chỉ được xem như một thứ ngoại ngữ. Đó là một nghịch lý không thể chấp nhận. NGND Xuân Khải, từng nhiều năm là chủ nhiệm khoa nhạc cụ dân tộc Nhạc viện Hà Nội, từ thực tế công tác, cho biết trong Nhạc viện lớn nhất quốc gia này, âm nhạc dân tộc chỉ là một khoa nhỏ, lép vế cả về kinh phí và trang thiết bị, rất khó có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bởi vậy, việc các sinh viên nhạc cụ tốt nghiệp khoa này ra không thể đánh nhạc tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương không có gì là lạ. GSTS Thế Bảo khẳng định rằng một đất nước có truyền thống văn hoá không thể không có một hệ thống các trường Quốc nhạc. Ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, âm nhạc Tây phương thường được dạy ở các trường Đại học tổng hợp, người học phải trả tiền, còn âm nhạc truyền thống dân tộc được tổ chức riêng thành trường quốc nhạc do nhà nước tài trợ. Ở Trung Quốc, bên cạnh Trung ương nhạc viện chuyên dạy nhạc phương Tây, là một Trung Hoa nhạc viện chuyên đào tạo âm nhạc dân tộc, được đặt trong khuôn viên dinh thự lớn của một đại thần nhà Thanh, với không gian cổ kính, thanh tĩnh của kiến trúc và nghệ thuật Trung Hoa cổ, rất nhiều sinh viên Trung Quốc và nước ngoài đang theo học tại đây. Ở nhiều nước Á-Phi, để mọi người nhận thức được âm nhạc dân tộc là gốc trong quá trình đào tạo âm nhạc nói chung, đã có những qui định bắt buộc mỗi sinh viên trước khi theo học âm nhạc phương Tây phải có một căn bản về âm nhạc dân tộc…Như vậy, những cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như sự cấp thiết của việc ra đời hệ thống các trường Quốc nhạc VN đã quá rõ ràng, cụ thể. Nhiều vị lãnh đạo văn hoá văn nghệ khi được biết thực tế đào tạo âm nhạc dân tộc tại các nhạc viện hiện có đều tỏ sự đồng tình ủng hộ việc xây dựng một hệ thống các trường Quốc nhạc VN như kiến nghị của các nhạc sĩ, các nhà nghệ thuật học tâm huyết.Tuy nhiên, cho đến hôm nay, các trường Quốc nhạc Việt Nam vẫn chỉ là một giấc mộng đẹp của tất cả những ai nhiệt tình, công phu đề xuất. Gần đây, gặp nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện âm nhạc VN, một trong những người tích cực hành động để biến tâm nguyện 25 năm trước của vị Viện trưỏng tiền bối Lưu Hữu Phước thành hiện thực, hỏi ông về dự án trường Quốc nhạc Việt Nam, ông cho biết không có ai phản đối cái dự án khó có thể phản đối về nguyên tắc này những cũng không có ai chủ trương cho triển khai thực hiện. GSTS Trần Văn Khê đã mất sau gần 10 năm về nước mà giấc mơ được dạy nhạc Việt bằng tiếng Việt cho sinh viên bậc đại học và trên đại học trong một trường Quốc nhạc VN vẫn không thể thực hiện. Nhạc sĩ Thao Giang, sau khi đi học ở Ấn Độ về, là một trong những người sớm thức tỉnh hy vọng về một trường Quốc nhạc để anh được rời Nhạc viện HN về làm việc cống hiến đã phải xin thành lập một cơ quan dân lập tên là Trung tâm Phát triển Âm nhạc thuôc Hội Nhạc sĩ VN và nương nhờ vào không gian nhỏ hẹp của đình Hào Nam nghiên cứu xẩm, trống quân, ca trù, quan họ cũng như đào tạo các nhạc công bậc đại học âm nhạc dân tộc. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dẫu đã hơn 90 tuổi vẫn phải một mình âm thầm bền bỉ dạy quốc nhạc VN qua mạng ra khắp thế giới. Nhạc sĩ Bá Phổ và vợ con đã thành lập « Bá Phổ nhạc đường » để sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, diễn tấu hơn 100 nhạc cụ các dân tộc VN. Thành quả này được ông bạn láng giềng đang muốn cướp di sản của văn hóa VN đánh giá cao, phong cả cha con chức danh Giáo sư, nhiều lần mời sang truyền dạy. Nhưng trong nước chả có cơ quan trách nhiệm nào thèm ngó ngàng…Biết hỏi ai bây giờ cái câu hỏi của những người tha thiết với sự nghiệp âm nhạc của một quốc gia độc lập: Trường Quốc nhạc Việt Nam, tại sao không và bao giờ?

Public

nguyễn thế khoa

TRAN THE BAO
NGUYEN THUYET PHONG
DANG HOANH LOAN
THAO GIANG