Jour : 15 septembre 2020

MAI AN : Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian

SGGP Chủ Nhật, 11/8/2019 07:18 Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống đã được quan tâm hơn trước. Nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể được trình hồ sơ lên UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Song theo nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (ảnh), người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian, việc đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ kế cận chịu trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thay đổi tư duy trong bảo tồn nghệ thuật dân gian ảnh 1

PHÓNG VIÊN: Có ý kiến cho rằng, di sản văn hóa truyền thống chưa phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại là do công tác đãi ngộ và vinh danh còn nhiều bất cập. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

* Nhà nghiên cứu ĐẶNG HOÀNH LOAN: Việc vinh danh nghệ nhân thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, dân tộc.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chúng ta tạo cho các nghệ nhân sau khi được vinh danh một đời sống tốt, để họ tiếp tục toàn tâm toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian. Hơn thế, cần phải khích lệ, động viên để trí tuệ, kinh nghiệm của họ được phát huy, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, để thế hệ tương lai được thừa hưởng.

* Việc hỗ trợ nghệ nhân dân gian thời gian qua không chỉ được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý, mà tại nhiều tỉnh, thành còn có chính sách hỗ trợ về tiền, bảo hiểm xã hội…

* Cho đến bây giờ, sau từng ấy năm, nếu chúng ta vẫn quan niệm hỗ trợ đời sống nghệ nhân thì đã lỗi thời. Thứ nhất, trong văn hóa và đặc biệt là âm nhạc, nếu gọi họ là nghệ nhân dân gian chưa hẳn chính xác mà cần phải gọi đó là nghệ sĩ dân gian. Họ là những người thực hành di sản theo cảm xúc. Họ được tôn trọng vì được nói thay tiếng nói của cộng đồng với các đấng thần linh. Thứ hai, với người Kinh, những người thực hành di sản văn hóa, lại chia làm 2 dạng là cống hiến và kiếm sống. Với người diễn để kiếm sống như ca trù, hát xẩm…, họ đi hát để mưu sinh. Còn đối tượng cống hiến thì diễn để thỏa mãn tâm linh cộng đồng, tức là họ chẳng quan tâm đến tiền vì cứ đến hội làng tôi thì tôi tự tham gia.

Nếu nhìn nhận một cách rành rọt các đối tượng như như vậy thì có thể hiểu được vì sao hỗ trợ vài ba trăm triệu đồng một năm, họ vẫn kêu… Với người không quan tâm tới tiền thì không bàn tới, còn với việc thực hành di sản để mưu sinh thì khoản tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu. Hỗ trợ nghệ sĩ dân gian theo con đường đó có thể gọi là bế tắc. Theo tôi, tại thời điểm này nên thay đổi quan niệm việc hỗ trợ nghệ sĩ dân gian bằng việc hỗ trợ nghệ thuật.

* Vậy theo ông, phải chăng việc hỗ trợ các nghệ nhân, giúp họ bớt đi gánh lo cơm áo gạo tiền để tập trung vào việc truyền dạy, lan tỏa giá trị di sản tại thời điểm này là không còn phù hợp?

* Không hẳn như thế. Nhưng cần phải thấy rõ, lớp nghệ nhân xưa cũ sống quá nghèo thì việc cấp một khoản tiền giúp họ sống tốt hơn để họ có thời gian toàn tâm toàn ý trao truyền cho hậu thế là rất quý. Nhưng lớp người đó đâu còn bao nhiêu, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện nay, đa phần là lớp nghệ sĩ dân gian trẻ kế thừa và họ không thích kiểu hỗ trợ như xưa nữa mà quan trọng hơn là cần sự khích lệ, động viên, là việc truyền cảm hứng để họ biết trân quý mà theo đuổi, gìn giữ di sản. Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) truyền dạy đàn tính, hát then cho con cháu

Nghệ sĩ dân gian trẻ bây giờ, tôi muốn gọi như vậy bởi họ sáng tác, trình diễn lời ca, phản ánh xã hội qua cảm xúc, đại đa số tán thành với cách nhận định và tên gọi này. Họ là lớp nghệ sĩ kế cận, tư tưởng, kiến thức, lối sinh hoạt cũng không giống nghệ nhân xưa. Cái để khích lệ, động viên giản dị xưa cũ nhưng tới thời điểm này vẫn rất đúng là “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

Tỉnh có thể cho họ 100 – 200 triệu đồng mỗi năm, nhiều thì có nhiều nhưng cũng chưa đem lại tác động lớn bằng việc vài năm tổ chức một liên hoan để so tài và trao thưởng. Khích lệ nghệ sĩ là phải tổ chức các cuộc chơi có giải, trao giải và là những giải xứng đáng dành cho nghệ thuật dân gian. Có vậy thì họ mới có thêm động lực để theo đuổi và theo nghề.

* Một vài năm gần đây vẫn có các liên hoan, cuộc thi dành cho nghệ thuật dân gian như thi hát then, đàn tính, liên hoan ca trù, hát xoan…?

* Đúng là đã có các cuộc thi, các liên hoan nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là muốn khích lệ cần phải có cách nhìn nhận và đầu tư thích đáng. Cụ thể là không nên phân biệt giữa dân gian và chuyên nghiệp. Đơn giản như các giải cao của liên hoan chuyên nghiệp thì được bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, còn với các liên hoan như ca trù, hát then chẳng hạn thì người ký tặng chỉ là cấp cục.

Giải thưởng cũng tương tự. Tuy rằng đa phần những người đi thi đều không nhắm tới giá trị của giải thưởng nhưng công sức họ bỏ ra để trau dồi, luyện tập để có những giây phút thăng hoa khi biểu diễn cũng nên tưởng thưởng xứng đáng. Nhiều liên hoan mà giải thưởng chỉ có vài trăm ngàn đồng thì xót xa quá.

Vì thế, tôi vẫn duy trì quan điểm là nên chăng dừng hỗ trợ mà khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia bảo tồn, thực hành di sản bằng chính các giải thưởng, liên hoan có tâm và có tầm.

MAI AN thực hiện

https://www.sggp.org.vn/nha-nghien-cuu-dang-hoanh-loan-thay-doi-tu-duy-trong-bao-ton-nghe-thuat-dan-gian-610051.html

ĐẶNG HOÀNH LOAN: HÁT ỐNG , BÌNH SƠN, QUÃNG NGÃI

Có một lối hát trao duyên thầm kín của người Kinh thuở xưa, hay, ý nhị, tinh tế. Lối hát đang còn tồn tại trong trí nhớ của nghệ sĩ dân gian Nam Trung bộ. Đó là Hát Ống Bình Sơn Quảng Ngãi. Gai điệu âm nhạc rất hay, lời ca rất tinh tế. Tôi tin rằng số bạn được nghe điệu hát này là không nhiều. Mời các bạn nghe nhé. Nếu thấy hay, xin các bạn phản hồi

Đặng Hoành Loan: HÁT ĐÁM CƯỚI DÂN TỘC SÁN DÌU

0:16 / 4:04

Đặng Hoành Loan

  · Nhân đọc bài « TRƯỜNG QUỐC NHẠC VIỆT NAM TẠI SAO KHÔNG VÀ BAO GIỜ? » của nhà báo Nguyễn Thế Khoa, tôi xin gửi tới các bạn bài « Diễn văn khai mạc hội thảo khoa học « Phát triển âm nhạc truyền thống – ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật » tổ chức vào tháng 12/2003 tại Tp. Hồ Chí Minh của PGS-TS Bùi Văn Tiến Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa-thông tin. Dưới đây là toàn văn bản diễn văn khai mạc. Thưa quý vị đại biểu Trong bài phát biểu của ngài Koichiro Matsuura – Tổng giám đốc UNESCO nhân « năm Liên hợp quốc về di sản văn hóa » có đoạn viết » « Di sản văn hóa của một dân tộc là tất cả những gì mà nền văn hóa của dân tộc đó đã làm nên và kế thừa đến ngày nay. Di sản văn hóa được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, có thể là vô hình (ngôn ngữ, các bí quyết, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc) hoặc hữu hình (các tượng đài, di tích)… ». Việc trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa như là kho báu do cha ông để lại là hết sức cần thiết. Bởi có gìn giữ được kho báu đó chúng ta mới duy trì và bảo vệ được bản sắc dân tộc, vì xét đến cùng thì « Bản sắc dân tộc của văn hóa là tổng thể những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần làm nên sắc thái riêng của một dân tộc trong lịch sử phát triển ». 50 năm qua, kể từ năm 1950 đến hết những năm 90, chúng ta có thể coi đây là mốc giới đánh dấu một chặng đường bảo tồn và phát triển bản sắc âm nhạc truyền thống của dân tộc. Do hoàn cảnh lịch sử, do những điều kiện xã hội nhất định nên 50 năm ấy có lúc thăng, có lúc trầm, nhưng thành tựu mà chúng ta đạt được là to lớn, là không thể phủ nhận. Có thể không quá chút nào khi chúng ta nhận định : suốt 50 năm qua không một ngày nào, không một giờ nào âm nhạc truyền thống (từ ca khúc, nhạc không lời, dân ca lời mới) vắng đi trong đời sống thường nhật của dân tộc. Và có lẽ thế giới biết đến âm nhạc của chúng ta cũng đã là từ đó. Hẳn chúng ta còn nhớ một thời Trường Sơn, trong hành trang người lính không chỉ có súng đạn và lương khô mà còn có cây sáo trúc, cây đàn bầu gập lại được, đó là những nhạc cụ dành cho những phút nghỉ ngơi, những giờ văn nghệ. Bài nhạc mà họ quen thuộc nhất là Lí Hoài Nam, Anh Vẫn Hành Quân, Vì Miền Nam, Ru Con Nam Bộ, Lí Hành Vân… Trong cái vốn chương trình ít ỏi ấy ta vẫn thấy có cả hai hình thức âm nhạc, đó là âm nhạc cổ truyền và âm nhạc phát triển. Và quả thật, cái gì hay, đúng với tâm hồn, đúng với tâm lí dân tộc là cái đó tồn tại và chính cái được sàng lọc để tồn tại đó đã trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Thưa quý vị, hôm nay đây chúng ta đang đứng trước những cơn bão lớn của thông tin toàn cầu, giới trẻ của chúng ta, kể cả những nhạc sĩ sáng tác và những nghệ sĩ biểu diễn, đến khán thính giả, đang đứng trước một tình trạng bất khả kháng của làn sóng các hình thức âm nhạc nước ngoài, của băng đĩa nhập lậu, của Internet. Một số người bắt chước từ nhạc điệu, tiết tấu, trang phục, cách diễn đến nội dung lời ca của những hình thức âm nhạc nói trên. Điều đó đã làm cho chúng ta thực sự lo lắng và có đôi khi đến phẫn nộ. Song chúng ta vẫn tin vào lớp trẻ vì trong sâu thẳm của tâm hồn họ vẫn ẩn chứa cốt cách văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Cái cốt cách đó sẽ giúp giới trẻ bình tĩnh hơn, công bằng hơn và tri thức hơn trong thưởng thức và sáng tạo âm nhạc. Điều cần thiết để bảo tồn và phát huy cái cốt cách đó lại chính là chúng ta, những nhạc sĩ, những giảng viên, những nghệ sĩ bậc thầy về nghệ thuật. Chúng ta sẽ nghĩ gì và hành động ra sao để bảo tồn vốn di sản, bởi « Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc » (1). Bảo tồn được di sản văn hóa, phát huy những di sản đó trong đời sống là chúng ta đã thức tỉnh cốt cách văn hóa nghệ thuật của lớp trẻ. Chính vì mục đích này mà Bội VH-TT tổ chức cuộc hội thảo để cùng nhìn lại công tác bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn chỉnh hơn công tác đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống. Từ cuối thế kỉ XX đến nay, các nghành khoa học tự nhiên và xã hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều ngành khoa học đã tách ra thành các ngành chuyên sâu với mục đích đi rất sâu vào nghiên cứu từng lĩnh vực. Phải chăng, cũng đã đến lúc chúng ta cần tách bạch giữa đào tạo để bảo tồn nguyên vẹn vốn âm nhạc truyền thống thành hai lĩnh vực đào tạo khác nhau, để chúng ta có thể bảo đảm được chất lượng và hiệu quả đào tạo cho cả hai lĩnh vực bảo tồn và phát triển. Tất cả vì mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng tôi tin rằng hội nghị khoa học bàn về « phát triển âm nhạc truyền thống – ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật » của chúng ta sẽ diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình, khách quan và khoa học. Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.(1) Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa VIII))