Jour : 6 septembre 2020

Thái Kế Toại: Tử Phác (1923-1982)MỘT SỐ PHẬN BI THẢM

Tử PhácMỘT SỐ PHẬN BI THẢM

nhạc sĩ TỬ PHÁC

Thái Kế Toại

10h  ·Nhạc sĩ Tử Phác là một trong những số phận bi thảm nhất trong các nhân vật chủ chốt của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Cần phải giải thích thêm là tại sao tôi dùng chữ Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bởi vì ngay gần đây vẫn có người muốn phân biệt rạch ròi là ông này, ông kia chỉ viết ở báo này, báo nọ không dính dáng gì đến báo Nhân Văn hoặc tạp chí Giai Phẩm cả. Đúng là như thế, có những người như thế, như ông Phan Ngọc vừa mới mất chẳng hạn. Tất nhiên ở thời kỳ đó cách dùng thuật ngữ chưa được chuẩn lắm nhưng căn cứ vào tầm vóc của sự kiện, ảnh hưởng sâu rộng toàn xã hội của nó, biện pháp đối phó xử lý các đối tượng của chính quyền, Nhân Văn Giai Phẩm không phải chỉ là một nhóm mà là cả một trào lưu dân chủ rộng lớn ở miền Bắc được sự hưởng ứng trong khắp các tầng lớp nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, giáo viên, sinh viên. Chưa có sự hình thành tổ chức cụ thể nhưng Nhân Văn và Giai Phẩm là trung tâm, là nơi phát đi những làn sóng xung động mạnh mẽ. Thế mới biết rằng trong buổi đầu của xã hội toàn trị chính quyền luôn luôn lo ngại ảnh hưởng của văn học nghệ thuật là vì thế.Còn với nhạc sỹ Tử Phác, tại sao gọi ông là một trong những số phận bi thảm nhất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Trong số các nhân vật chủ chốt của phong trào này có nhiều người rơi vào bi thảm, nhưng chỉ có một số ít là bi thảm nhất. Ngoài mức án, mức độ cắt bỏ chế độ chính sách, Tử Phác còn là người chết vì ung thư năm 1982, cho đến nay chưa được một chút gì của chính sách đổi mới, phục hồi như cho các chiến hữu bạn ông.Tử Phác tức Nguyễn Anh Chấn tên thật là Nguyễn Văn Kim trong một gia đình quan lại, giàu có, là nhạc sĩ, sinh năm 1923, nhà ở phố Hàng Giấy, khu chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Thời niên thiếu, ông thường viết nhạc cùng nhạc sĩ Lương Ngọc Châu (cháu của Lương Văn Can trong Đông Kinh Nghĩa Thục). Mẹ ông là Trương Tần Phác, hậu duệ của anh hùng Trương Định. Bút danh Tử Phác có nghĩa là con của bà Phác.Vợ Tử Phác là bà Lương Thị Nghĩa. Bà Nghĩa cũng là dân phố cổ như ông là em của nhạc sĩ Lương Ngọc Châu. Ông ở Hàng Bạc, còn bà ở Hàng Ngang. Bà học piano từ nhỏ. Kháng chiến, bà tản cư về Thái Bình giảng dạy âm nhạc và tham gia công tác phụ nữ. Bà lên Việt Bắc năm 1950, công tác tại ngành điện ảnh. Ở Việt Bắc, họ đã gặp nhau và thành hôn với nhau.Năm 1945, đang học dở cử nhân luật ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Tử Phác được kết nạp vào Đảng Cộng sản và phụ trách tờ báo Thủ đô của khu II.Năm 1949, được vào Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu IIINăm 1950, Tử Phác giữ chức Trưởng phòng Văn Nghệ thuộc Tổng cục Chính trịNăm 1952, ông làm Tổng Phụ trách Văn Công Quân độiTrong thời gian này Tử Phác viết ca khúc nổi tiếng Tiếng hát quay tơ 1948. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết: Riêng với “Tiếng hát quay tơ” của ông, nghệ sĩ Kim Ngọc đã thể hiện hết sức tuyệt vời. Những ngày đầu đổi mới, bà Kim Ngọc hát lại “Tiếng hát quay tơ” vẫn hay và nhuyễn như xưa. Bài hát cần rất nhiều sắc thái khác nhau và bà đã thấm nhuần điều đó khi thể hiện. Đoạn thể hiện chiến sĩ ngoài mặt trận cần mạnh mẽ, bà đã hát rất cuốn hút và bốc lửa: “Người chiến sĩ ầm gió rít sương rơi/ Đẫm mình trong khói súng/ Chiến trường áo mong manh/ Căm thù nuôi ấm thân/ Quyết lấy máu pha tô sắc cờ…”.Đoạn nối tiếp là tâm sự của người vợ ở hậu phương thì lại được thể hiện rất dịu dàng, mượt mà trong bâng khuâng thương nhớ: “Chàng ra đi giữ miếng vườn này giữ mái tranh này/ Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay/ Chiều nghe rơi tiếng lá xạc xào em ngỡ/ Ngỡ bóng dáng ai về…”.Và thương nhớ đã quyến vào nhịp xa quay điệp khúc: “Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sĩ yêu/ Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình trong lòng/ Em dâng người hiên ngang…”.Tử Phác còn là người quyết định hiện đại hóa nhạc múa sạp cho điệu múa dân gian của các dân tộc Tây Bắc. Nhạc sĩ Mai Sao kể: …Ngày ấy, sau chiến dịch Hòa Bình, văn công quân đội “lượm” được một món đặc biệt Tây Bắc. Đó là điệu nhảy “sạp”. Điệu nhảy thật đơn giản. Hai cây tre thon, dài chừng bốn mét gọi là “sạp”. Một chị ở một đầu, một anh ở đầu bên kia, ngồi gõ “sạp” theo nhịp trống. Một đôi nam nữ nhảy ra. Hai cây tre mở ra khép lại. Diễn viên trong sạp hoặc ngoài sạp cứ vỗ tay đều đều theo nhịp gõ. Cũng có nhạc đệm. Có lúc na ná cò lả. Có lúc na ná trống quân. Tại bãi lửa trại cùng thưởng thức nhảy “sạp” đêm đó, có nhạc sĩ Tử Phác và nhà thơ Hoàng Cầm – Trưởng đoàn văn công Quân khu Việt Bắc cùng nhạc sĩ Mai Sao – người chủ trương dùng mấy điệu nhạc trên cho “sạp”. Sau đêm diễn, khi ngồi trao đổi. Hoàng Cầm nói với Tử Phác rằng múa thì độc đáo, nhưng phần nhạc không ổn. Nhạc như thế thì khác nào bắt các cô gái Thái đội nón thúng quai thao. Phải có đúng âm nhạc của “sạp”.Tử Phác cũng cho rằng phải có một nhạc múa “sạp” đúng là nhạc của miền Tây Bắc. Và thế là Tử Phác yêu cầu Mai Sao phải tìm hiểu để viết ra một nhạc múa phù hợp. Tiếp thu chỉ thị của “thủ trưởng” Tử Phác, Mai Sao trở lại Tây Bắc. Ở đó, anh cùng Bàng Thúc Hiệp đã đi nghe nhiều điệu “khắp” (hát) dân ca Thái và sau nhiều tháng, Mai Sao đã viết ra điệu nhạc múa “sòn sòn sòn đô sòn – sòn sòn sòn đô rê…” theo ngũ cung “rề – mi – son – la – đố” về trình làng tại Tổng cục Chính trị vào mùa hè 1952.Ngay lập tức, điệu nhạc múa “sạp” này được O.T.K nhiệt liệt. Nó đã được phối khí một cách nhuần nhụy, tinh vi với các nhạc cụ dân tộc: Trống cái, trống cơm, khèn, sáo mèo, nhị, đàn tranh, đàn bầu cùng với các nhạc cụ Tây phương như accordeon, guitare, violon, clarinet… Điệu nhạc được dùng cho điệu múa đã được nhạc trưởng Lê Đóa phối hợp cùng đạo diễn múa Ngọc Minh đưa lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.Tử Phác là một trong những người đi tiên phong trong phong trào NVGP. Tháng 4 năm 1955 ông cùng sáu bạn chiến đấu khác trong quân đội là Đỗ Nhuận, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Công, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, bãi bỏ hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.Sau phát pháo mở màn đầu tiên các ông bị kỷ luật và chuyển ra khỏi quân đội.Từ năm 1957–1958, Tử Phác là Thư ký tòa Soạn của tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.Năm năm 1959–1960, sau khi vụ Nhân văn Giai phẩm xảy ra, cùng với nhà thơ Lê Đạt ông bị đưa đi cải tạo tại Nông trường Chí Linh Hải Dương.Tử Phác cùng Đặng Đình Hưng bị khai trừ khỏi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thời hạn 3 năm. Kèm theo cái án này cũng là quyết định cấm lưu hành tác phẩm ( treo bút ) trong thời hạn đó. Cũng như những nhà văn bên Hội Nhà Văn, cái án của Tử Phác kéo dài cho tới khi ông chết, không ai trong giới lãnh đạo văn nghệ nghĩ đến việc cởi trói cho họ.Sau khi cải tạo về Tử Phác không tìm được một việc làm nào. Không được bất cứ cơ quan văn hóa nào nhận ông. Không có sinh kế, vợ con nheo nhóc, sống vất vưởng nhờ tiền trợ giúp của gia đình nội ngoại ở Pháp, đồ đạc trong nhà bán dần dần đến cả chiếc dương cầm, cái hương án… Túng quẫn Tử Phác đã phải cho vợ và các con vượt biên, chỉ giữ lại người con trai cả đã lập gia đình.Bế cháu trong lòng đã có lúc ông viết những câu thơ buồn bã thế này :Chiếc mặt nạ treo cao rạp hátNửa cười nửa khóc tấn trò đờiCũng giống mặt tôi nửa người nửa ngợmTôi quay đi khỏi tủi mắt cháu tôiThẹn thùng ý tứ với nhà thơTầm Dương canh khuya người kỹ nữ“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa”Tôi giữ cháu tôi trên đùi tôi nhún nhẩyQuay đầu đi dấu nửa mặt moỞ một bài khác ông viết:Tôi biết đi đâu biết về đâuÐất lửa khi nao là đất thánhCát bụi bơ vơ giữa địa cầuNay bạn mai thù không hiểu nổiChuyện đời nhân nghĩa lộn đầu đuôiTôi muốn hỏi trên đường vạn nẻoÐâu đất lành dung lũ chúng tôiNỗi lo sợ khi “ném vợ con vào chỗ chết để đi tìm đường sống” Tử Phác đã ghi lại trong một bài:Xưa tiễn Kinh Kha có sá gìSá gì tiếng sáo Cao Tiệm LySầu thế kỷ muôn lần hơn chuyện cổTìm em nơi nao trên biển đôngThuyền con như lá rớt giữa dòngLòng biển tối đen lòng đời hiểm độcEm lênh đênh theo định mệnh hãi hùng…..Ðất đuổi tôi ra biểnBiển quẳng tôi về đâuChỉ nghe trong sóng gióThảm thiết thiết hải âu…..Không biết trên thế giới có bao nhiêu dân tộc người ta đã phải làm cái việc cố gắng lìa nhau để sống, vui mừng vì có người đi thoát khỏi đất nước, dù chẳng còn mong có ngày gặp lại.Năm 1982, Tử Phác mất trong cảnh cô đơn, nghèo đói, đau đớn vì bệnh ung thư vòm họng. Đám ma ông buồn bã, lặng lẽ. Theo sau quan tài có mấy người bạn NVGP.Nhà thơ thơ Trần Dần tế ông:Ngày xửa, ngày xưa… có một chàng trai…trong ầm ầm… gió rét… mưa bay…động tâm vì những người chiến trường áo mong manh…liều lấy cả tuổi xanh mình… tim thật mình…quay tơ… may áo…ai ai đều nhớ…mỗi một đường tơ là mỗi dây tình…dâng người hiên ngangThế là khúc tâm ca thành áo ấm trữ tìnhCho hơn môt thế hệ những người áo mongmanh chiến trường Nghe âm vang lên tiếng chiến chinhMơ làm diều mang sáo thanh bìnhNghe vườn cây xao xác gió mayMơ làm chiếc lá úa rơi đầyRất tiếc nhạc sĩ Tử Phác từ giã cõi đời quá sớm khi ông vừa đầy 60 tuổi vào lúc cuộc sống miền Bắc cực kỳ khó khăn và cũng chưa thấy một chút hy vọng nào về sự cởi mở đối với văn nghệ nói chung và với Nhân Văn Giai Phẩm nói riêng.Ngày hôm nay thế hệ con cháu chúng ta, các bạn trẻ có lẽ rất ít ai biết đến cái tên Tử Phác. Nhưng trong tâm trí của cha anh họ cái giai điệu tài hoa đậm chất Hà Nội của Tiếng hát quay tơ vẫ còn lưu luyến trong ký ức. Trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước tên tuổi của nhạc sĩ tử Phác không phai mờ cùng Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.Tháng 9- 2020

https://lyric.tkaraoke.com/17010/tieng_hat_quay_to.html#playMp3

tiếng hát quay tơ (Tử Phác) do Khánh Ly trình bày

Kim Yến. GS.TS.Nguyễn Thuyết Phong-Con người quốc tế và dân gian trong tôi là một

Friday, 09 September 2011 21:24

Kim Yến. GS.TS.Nguyễn Thuyết Phong-Con người quốc tế và dân gian trong tôi là một

Người post bài:  TT VHH

GS.TS NGUYỄN THUYẾT PHONG:
CON NGƯỜI QUỐC TẾ VÀ DÂN GIAN TRONG TÔI LÀ MỘT

Kim Yến (thực hiện)

         Tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc học hạng tối danh dự đại học Sorbonne,Paris (năm 1982), ông từng giảng dạy tại hơn 50 đại học trên thế giới. Năm 1997, ông được Tổng thống Bill Clinton và hội đồng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu “Danh nhân di sản quốc gia” do có công mang yếu tố Việt đến với nền văn hoá Mỹ. 

       Có tên trong các bộ từ điển bách khoa âm nhạc thế giới The New Grove (Anh), Garland (Hoa Kỳ), Iwanami Shoten (Nhật Bản), ông còn là tác giả một số bộ sách giáo khoa âm nhạc đang được áp dụng trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Ít ai ngờ ông là con trai một nông dân nghèo vùng sông nước Cửu Long.

       Với công trình nghiên cứu Yếu tính “nước” trong âm thanh Việt Nam, ông đã tìm thấy sự giao thoa nào giữa thiên nhiên, con người và tâm hồn Việt?

       Nước với người dân Việt Nam chính là nguồn sống, và âm nhạc vì thế cũng mang những yếu tính của nước: sự mềm mại, uyển chuyển, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Những người nông dân bao thế kỷ đã làm việc đồng áng giữa những cánh đồng nước bao quanh, nước và nhạc đã trở thành hai yếu tố tích cực cộng hưởng, gắn liền với sự sống, mang dấu ấn khá rõ qua nhạc điệu từ những ngày đầu hình thành tộc người. Tính uyển chuyển độc đáo của âm nhạc Việt Nam tác dụng sâu sắc trong tư duy người Việt. Không có quốc gia nào dùng chữ “nước” để định danh như chúng ta. Nhạc cổ điển phương Tây giống như toán học, nhạc công luôn ngồi trước một bản nhạc. Còn nhạc truyền thống Việt Nam giống như đánh trên mặt nước, các nghệ nhân chỉ nhìn nhau chơi đầy ngẫu hứng trên những sợi dây đàn. Nói như thế không có nghĩa chúng ta không có lý thuyết âm nhạc. Hệ thống thang âm đã cấu kết chặt chẽ với tính ngẫu hứng, để tạo nên bản chất âm nhạc Việt Nam.

       Có mặt trong hội đồng xét duyệt của UNESCO, góp phần giúp cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản thế giới, ông có buồn nhiều không khi cồng chiêng Tây Nguyên đang bị sân khấu hoá thô thiển?

       Tranh luận lớn nhất giữa các học giả quốc tế khi xét duyệt là tiêu chí “gắn liền với đời sống người dân Tây Nguyên” chưa rõ nét, vì theo họ, dàn cồng chiêng Tây Nguyên không hoành tráng như Indonesia, mà đơn lẻ, rời rạc, mỗi nhà mỗi buôn chỉ chừng ba, bốn cái. Hơn nữa, cồng chiêng Tây Nguyên không phải là sản phẩm tự chế vì không có lò luyện kim loại ngay trong buôn. Tôi cho rằng cây đàn piano sản xuất ở Mỹ, nhưng Ba Lan vẫn có Chopin. Cồng chiêng có thể được chế tạo nơi khác, nhưng khi đến Tây Nguyên, nó phải được gò, đẽo cho đúng thang âm người Tây Nguyên. Hơn nữa, lý thuyết âm nhạc của người Tây Nguyên rất rõ. Đó là những giá trị phi vật thể quý giá. Lập luận của tôi đã giúp một lá phiếu để cồng chiêng được chấp thuận.

       Từng dự nhiều festival gần đây, tôi vô cùng đau xót khi chúng ta đã không thể hiện đúng những điều đã cam kết với UNESCO, không tái tạo môi trường diễn xướng nguyên gốc như nhà rông, nhà sàn, hoặc những cộng đồng nhỏ trong một buôn. Việc giáo dục thế hệ trẻ về cồng chiêng cũng không được lồng trong các festival, để khắc phục ảnh hưởng tràn lan của đời sống hiện đại với âm nhạc Tây Nguyên. Tôi rất buồn, rất thất vọng khi thấy cồng chiêng xuất hiện trên những sân khấu lộ thiên.

       Những ngày tháng sống cùng đồng bào Tây Nguyên, những liền anh liền chị vùng quê quan họ… để nghiên cứu nhạc cụ dân tộc đã cho ông những cảm nhận gì về lối sống, phương thức tồn tại và tâm hồn dân Việt?

       Một nhà nghiên cứu mà tách rời đời sống người dân thì không thể có những công trình khoa học giá trị. Đi điền dã nhiều, con người quốc tế trong tôi đã lồng làm một với con người dân gian. Sống nhiều với người dân Tây Nguyên, tôi ngạc nhiên tại sao đời sống đơn giản vậy mà họ lại có nền âm nhạc rất đa dạng, tinh tế. Dường như đời sống vật chất càng giản dị thì đời sống tinh thần lại càng phong phú. Âm nhạc Tây Nguyên rất giàu về ý. Tình yêu âm nhạc dường như chảy trong huyết quản của họ. Tôi chợt ngộ ra rằng người sáng tạo âm nhạc không nhất thiết phải giàu có, sang trọng, học hành đầy đủ. Cuộc đời còn có bao loại nhạc hay mà chúng ta chưa biết. Phải sống sát với thực tế mới hiểu được những dòng nhạc rất thành khẩn, trong sạch đó, gắn với bao câu chuyện đời thú vị. Đã xác định động cơ rõ ràng là phục vụ đất nước, phục vụ tình yêu âm nhạc, nên chuyện khổ, chuyện khó chẳng là gì khi mình đã dấn thân.

       Xuất thân từ cái nôi đờn ca tài tử, ngày nhỏ ông được người dân Trà Ôn gọi là “thần đồng âm nhạc” bởi biết hát biết đàn trước khi biết đọc biết viết… Những người thầy vùng sông nước đã cho ông những bài học quý giá nào?

       Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Trầm Văn Kiên tức Mười Kiên – “sóng thần miền Tây”. Mỗi khi tiếng đàn của ông cất lên, không gian như lặng phắt. Ông thực sự là một thiên tài của Tây Nam bộ, thấu hiểu tường tận về đàn ca tài tử, hát bội, nhạc Phật giáo, có một trí nhớ hiếm thấy. Nhờ ông, tôi được lớn lên trong âm nhạc, hiểu giá trị của nhiều thể loại nhạc truyền thống, có được khái niệm chung về âm nhạc Nam bộ. Bà tôi, ông nội tôi là nông dân nhưng đều biết đàn ca xướng hát. Bảy tuổi tôi được cha gửi gắm cho thầy Mười Kiên. Gia đình làm một buổi lễ đơn sơ nhưng rất trang trọng, ra mắt ông tổ nhạc, để tôi được thầy nhận làm trò. Từ đây, tôi có thêm người cha thứ hai. Khi ra nước ngoài, tôi mới thực sự hiểu giá trị của thầy tôi, kiến thức rộng lớn vượt bậc của ông về âm nhạc. Thầy tôi là bậc đàn anh của ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu). Dù rất điêu luyện trong nghề nhưng tính cách ông vô cùng giản dị, đời sống thanh bạch. Cả đời ông coi việc truyền dạy cho học trò như một thứ đạo. Học nhạc với thầy là học sống. Ông dẫn tôi theo các đoàn hát, gánh nhạc lễ lang thang khắp vùng sông nước…

        Tuổi thơ ấy đã giúp tôi nuôi dưỡng ý chí làm sao mang âm nhạc dân tộc ra nước ngoài, giúp tôi đơn độc giữa xứ người, tự làm tự sống để hoàn thành luận văn tiến sĩ đầu tiên trên thế giới về âm nhạc Phật giáo, đúc kết từ hơn 260 tác phẩm để tìm ra những lý luận cơ bản nhất. Để theo đuổi việc học, tôi đã trải qua đủ mọi nghề kiếm sống, từ giữ kho, nấu ăn cho nhà hàng, đến chạy máy in… cái gì có thể nuôi sống là tôi làm. Tôi tốt nghiệp năm 1982, lúc đất nước đang còn khó khăn, nhìn về quê hương, gia đình, chẳng biết bao giờ về được. Một mình cô đơn với mảnh bằng trong tay, chỉ có hai dòng nước mắt.

       Sự khác biệt nào làm nên bản sắc phong phú và thâm trầm của nhạc Phật giáo Việt Nam?

       Những nhà nghiên cứu nước ngoài đã rất ngỡ ngàng, không ngờ Việt Nam nhỏ bé lại có một hệ thống hơn mười thể loại nhạc Phật giáo rất khác biệt. Âm nhạc Phật giáo dân tộc đã có hơn ngàn năm, mỗi miền lại có những nét đặc trưng rất riêng, với một hệ thống gồm hàng ngàn bài tụng, tán, hàng trăm nghi lễ đọc, xướng, thỉnh, kệ… được sáng tạo bởi các thiền sư, với những giai điệu rất hay trong hệ thống đại thừa. Dù đất nước chiến tranh liên miên, nhưng nhạc tính âm nhạc Phật giáo rất hiền hoà, không hề có nét giận dữ. Tinh thần ấy ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Ngôn ngữ tụng tán trong chùa đa số là thuần Việt, mặc dù có dùng chữ Hán, nhưng âm Hán – Việt, không đọc như âm của người Trung Quốc. Thời gian gần đây đã có những dấu hiệu của sự hồi sinh âm nhạc Phật giáo, như những nghi lễ trong các trai đàn chẩn tế, cầu siêu cho vong linh người chết trong chiến tranh Việt Nam. Đó là cơ hội làm sống dậy truyền thống tâm linh của người Việt, nơi nương tựa sâu xa cho con người.

        Theo ông, số phận của đờn ca tài tử đang gặp phải những thách thức nào?

       Đờn ca tài tử đang gặp phải sự dao động dữ dội trong tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam trên con đường tìm kiếm những loại nhạc khác, và đánh mất tính nguyên thuỷ của mình. Để gìn giữ, không có cách nào khác hơn là giáo dục âm nhạc. Hệ thống giáo dục Việt Nam không có giáo dục âm nhạc, người ta tìm đến âm nhạc chỉ là để thoả mãn nhất thời, như thế làm sao không bị lai căng, mất gốc? Muốn tìm đến giá trị gốc, phải kết hợp giữa giáo dục âm nhạc và ứng dụng âm nhạc trong môi trường mới, dạy cho lớp trẻ thế nào là đờn ca tài tử, từ đó họ mới cảm được cái hay, cái đẹp. Không thể để các nghệ nhân dàn hàng ngang trên sân khấu mà gọi là đờn ca tài tử. Phải trả lại môi trường diễn xướng đúng nghĩa.

        Từ Mỹ sang Nhật, rồi sang Pháp chỉ để nghiên cứu dân tộc nhạc học, có bao giờ ông bị lung lay trước những công việc có thể kiếm được tiền nhanh hơn, nhiều hơn? Triết lý đạo Phật đã giúp ông vượt qua những khúc quanh của cuộc sống như thế nào?

       Tôi nhớ những ngày cơ cực trên đất Paris, thấy tôi khổ quá, một người bạn Pháp đã khuyên: “Mày đàn tranh hay thế, tại sao không vào xe điện ngầm đàn kiếm tiền cho đỡ đói?” Tôi nói với anh ấy rằng tôi có thể làm mọi nghề vất vả khác để kiếm sống, nhạc truyền thống dân tộc tôi là nhạc đỉnh cao, phải được trân trọng trên các sân khấu danh dự, không bao giờ dùng nó để lượm những đồng tiền nhỏ. Chọn ngành dân tộc nhạc học, lý tưởng của tôi là tìm hiểu một cách khoa học về con người và cách ứng xử của con người trước những vấn đề khác nhau của âm nhạc.

       Kinh nghiệm, kiến thức về đạo Phật giúp tôi tu tập bản thân, có cái nhìn cởi mở hơn với những phận người khác nhau trong đời sống, cảm thấy gần gũi, hoà đồng ngay với những người nông dân lam lũ, bình dị ở mọi miền đất khác nhau, chia sẻ tư tưởng, sự khổ đau, chấp nhận sự khác biệt. Tôi cảm ơn tinh thần Phật giáo đã cho tôi rất nhiều bạn bè, giúp tôi biết yêu thương và hiểu về con người. Nhà tôi không có bàn thờ Phật nhưng Phật luôn luôn ở trong tâm tôi. Sống hoan hỉ sẽ kéo dài tuổi trẻ, dù cái già, cái chết sẽ đến, đó là nguyên lý của đạo Phật. Nếu hiểu rõ tinh thần đạo Phật là từ bi, trí tuệ và can đảm, thì không có gì phải sợ. Có duyên thì tới, chấp nhận, hoan hỉ, và sống lý tưởng.

       Gia đình có lúc nghèo tới nỗi không nuôi nổi phải gửi tôi vào chùa, một nhà sư phải xả đồ tang khâu cho tôi chiếc áo… Trải qua hơn 60 năm cuộc đời, vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, tôi chỉ là một thí dụ khi sống có lý tưởng sẽ thành công. Nếu không có lý tưởng thì không thể chờ đợi thành công.

       Ông nghĩ gì về vai trò của người trí thức trong thời buổi hiện nay?

       Với riêng tôi, có những lần thất vọng vì công việc của mình chưa đạt, những lần người ta không hiểu mình, nhưng bù lại, hy vọng nhiều hơn. Nhìn ra xã hội, điều khiến tôi buồn nhất là sự chưa hiểu nhau giữa người trong nước với những người sống ở nước ngoài lâu năm. Chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm mà những giá trị sống vẫn chưa được thể hiện đầy đủ, con người đang ứng xử rất tệ với nhau. Điều đó thể hiện rất rõ qua những thảm hoạ giao thông, bạo lực học đường, nạn trộm cắp, cướp giật ngang nhiên ngoài đường. Người ta không còn tin nhau nữa, cái gì cũng phải tiền mặt. Tham nhũng, hối lộ ngày càng phình to. Do đạo đức không được nuôi dưỡng, trình độ nhận thức về những giá trị còn mơ hồ, có một cuộc chiến ngấm ngầm vẫn tồn tại trong đời sống người Việt. Tôi chỉ mong người ta sớm hiểu nhau, sớm nhận ra những giá trị thật của cuộc sống, của con người, để yêu thương nhau hơn.

       Nhiều người hỏi tôi tại sao cứ ôm ấp hoài cổ nhạc trong người? Tôi nghĩ nếu xoá bỏ quá khứ, tôi chẳng còn giá trị gì. Cuộc đời là biến chuyển, vô thường, nhưng một dân tộc mà cắt bỏ quá khứ của mình sẽ không bao giờ tìm được giá trị của hiện tại. Ước mơ của tôi là xây dựng được một đại học đa ngành quốc tế mang tên Đào Tấn, để đào tạo những con người mới vừa có ý thức bảo vệ giá trị dân tộc, vừa biết đón nhận giá trị tinh hoa thế giới, để xây dựng một Việt Nam phát triển, cởi mở hơn.

Nguồn: http://www.sgtt.com.vn

http://www.vanhoahoc.edu.vn/thu-gian-vhh/nghe-thuat-viet-nam/2080-kim-yen-gstsnguyen-thuyet-phong-con-nguoi-quoc-te-va-dan-gian-trong-toi-la-mot.html

TRƯỜNG KỲ : Nguyễn Thuyết Phong: Nhạc dân tộc trong tâm hồn

Nguyễn Thuyết Phong: Nhạc dân tộc trong tâm hồn

08 Tháng Một, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nguyễn Thuyết Phong

Nơi ông là cả một tâm hồn tràn trề tình dân tộc với niềm đam mê nghiên cứu âm nhạc cổ truyền thuộc đủ mọi thể loại, đặc biệt là nhạc Phật Giáo. Với thễ loại này, giáo sư và là nhà âm nhạc học Nguyễn Thuyết Phong đã dùng để soạn luận án tiến sĩ của ông vào năm 1982 với đề tài “Âm Nhạc Phật Giáo Việt Nam Với Nhạc Phật Giáo Đại Thừa Của Các Quốc Gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”. Luận án này đã được chấm hạng tối danh dự của đại học Sorbonne, Paris.

15 năm sau, cùng một con người đó, với những công trình nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của mình, đã nhận thêm một vinh dự lớn lao khác khi được chính phủ Mỹ trao tặng giải National Heritage Fellowship, dành cho những nghệ sĩ  có công gìn giữ  những di sản văn hoá cho nước Mỹ, trong đó âm nhạc cổ truyền Việt Nam được đánh giá như  di sản của nền văn hoá Hoa Kỳ. Tại Tòa Bạch Ốc vào năm 1997, chính tay bà Hillary Clinton đã trao giải thưởng cao quý này cho giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Cựu tổng thống Bill Clinton trong thời gian này bận tham dự một buổi  họp tại Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng gửi đến ông một lá thư riêng với những lời khen ngợi nhiệt liệt.

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong sinh trưởng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và “là người của hai con sông Tiền và sông Hậu”, như ông nói với một niềm hãnh diện. Đó là nơi ngày xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, có lúc trở thành tỉnh Trà Vinh tức Vĩnh Bình, nhưng bây giờ lại thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ông sinh ra trong một gia đình yêu âm nhạc, có truyền thống về đàn ca tài tử.

Thân phụ ông – đã qua đời – hợp cùng các chú, bác ông thành lập một  ban nhạc lễ riêng, chuyên thực hiện phần lễ nhạc cho các hội hè đình đám và tang tế . Người em út của ông trong số 8 người con trong gia đình, không kể 2 người đã mất sớm,  sau đó đã thay thế thân phụ ông trong vai trò  trưởng ban nhạc lễ.

Do ảnh hưởng của gia đình cộng thêm khả năng bẩm sinh, từ khi lên 5 tuổi Nguyễn Thuyết Phong đã tỏ ra rất say mê âm nhạc. Ngay lúc đó, ông đã biết ca nên được đi theo ban đàn ca tài tử của gia đình phục vụ cho các đám giỗ, đám cưới. Cũng nhờ khả năng của mình, khi được 7 tuổi, ông đã được giao phó việc phụ giúp các sư  trong chùa về việc tụng niệm nên rất được các thầy quý mến.

Và cũng do đó ông đã có một sự gắn bó mật thiết với nhạc Phật Giáo là thể nhạc ông đã bỏ ra nhiều thời giờ để nghiên cưu sau này. Được như vậy, Nguyễn Thuyết Phong cho biết ông đã học bằng cách vận động thính giác trong việc tiếp nhận âm thanh từ khi lên 7. Ba năm sau ông đã đi theo những đoàn nhạc lễ để đi diễn rất nhiều nơi tại những đám cúng chùa, cúng đình, những trai đàn chẩn tế cùng những đám tang.

Trong số những đoàn đó có đoàn của nhạc sư Trầm Văn Kiên, tức Mười Kiên là bạn của nhạc sư Cao Văn Lầu, tác giả của bài vọng cổ đầu tiên “Dạ Cổ Hoài Lang”. Với đoàn nhạc lễ cự phách về đàn ca tài tử, cải lương, hát bội và nhạc lễ của nhạc sư Mười Kiên ông đã có dịp đi trình diễn chung khắp nơi. Từ Vĩnh Long,Mỹ Tho và  xuống tới tận Cà Mâu. Ngoài khả năng ca, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong còn là người sử dụng được rất nhiều nhạc khí cổ truyền ngoài bộ gõ là đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò cùng những loại nhạc khí thông dụng ở miền đồng bằng sông Cửu Long…

Phong Nguyen Ensemble

Sau đó ông còn tiếp tục học đàn nguyệt ở Huế với thầy Nguyễn Gia Cẩm, một tay đàn nguyệt lừng danh tại đài phát thanh Sài Gòn. Ông còn ra tận Hà Nội để học đàn đáy với thầy Đinh Khắc Bang, qua đời cách đây khoảng 8, 9 năm. Không những ông  nghiên cứu về các loại nhạc khí ở miền đồng bằng, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong còn lên miền núi ở Tây Nguyên và Việt Bắc  để học gần như hầu hết các nhạc cụ của dân tộc thiểu số như T’rưng, Klongpút, Hi Ho, Đinh Tút, Brố, Goong, vv…  và những loại kèn từ năm 1996.. Ông chủ trương đi tới đâu phải học đến đó, vì càng học càng thấy thiếu nên đã đi dọc dãy Trường Sơn, từ Quảng Trị tới Sông Bé cũng như đặt chân lên suốt quốc lộ 14, dọc theo Kontum, Gia Lai bằng đủ mọi phương tiện để “học được nhạc cụ nào thì học nhạc cụ đó”, như lời ông nói với tất cả say mê. Cùng một lúc ông mua về Mỹ đủ loại nhạc cụ để biểu diễn trước khán giả bản xứ.

 Ông đã thực hiện được những việc trên sau nhiều lần trở về Việt Nam để chuẩn lại những điều đã học hỏi qua băng từ thu thập được. Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trở về quê hương lần đầu tiên năm 1991 kể từ khi ra đi vào cuối năm 1973.  Cũng nằm trong một số những chuyến đi trên, ông đã hướng dẫn một phái đoàn người Mỹ trong phái đoàn Earth Watch, một tổ chức quốc tế hỗ trợ những nhà nghiên cứu về  khảo cổ học, đặc biệt hỗ trợ ông trong việc thu thập các tài liệu về âm thanh. Theo ông, đó có thể là những âm thanh cuối cùng của những nghệ nhân  đã lớn tuổi. Qua đó nguồn tài liệu của giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã lên tới hàng trăm cuốn video hay băng ghi âm…

Năm 1973, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, cựu sinh viên các trường đại học Văn Khoa và Vạn Hạnh ở Sài Gòn, lên đường sang Nhật nghiên cứu âm nhạc. Đến năm 1975, ông sang Pháp để ghi danh theo học ngành âm nhạc học tại trường đại học Sorbonne ở Paris và ra trường năm 1982 với bằng tiến sĩ danh dự tối ưu về âm nhạc. Sau đó ông làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học ở Pháp cho đến khi sang Mỹ theo lời mời của nhiều trường đại học ở đây.

Ông sang Mỹ lần đầu tiên năm 1983  theo yêu cầu của Viện Bảo Tàng Metroplitan Museum Of Art ở New York  để nói chuyện và trình diễn. Sau nhiều lần đi đi, lại lại; ông chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ từ năm 1985, khởi đầu với việc dạy học tại trường đại học U.C.L.A ở nam California. Hiện ông là giáo sư tại đại học Kent State University thuộc tiểu bang Ohio, gần nơi ông cư ngụ là thành phố Cleveland cùng tiểu bang.

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã đứng ra thành lập một đoàn biểu diễn nhạc cổ truyền Việt Nam dưới tên Phong Nguyen Ensemble, được thai nghén từ  năm 1983, khi ông sang New York. Thời kỳ đầu tiên vì không quen biết nhiều trong cộng đồng người Việt nên mới chỉ có sự tham dự của cô Kim Oanh. Cho đến năm 87 mới có thêm sự gia nhập của 2 nhạc sĩ Hoa Kỳ Miranda Arana (sử dụng sáo) và David Badagnani (kèn bầu Huế), Nguyễn Ngọc Tố Trinh  (từng đoạt giải nhì đàn tranh toàn quốc ở VN), Dock Rmah (nhạc sĩ gốc dân tộc thiểu số Gia Rai), và Nguyễn Thuyết Phong (sử dụng nhiều loại đàn). Những lần trình diễn mới đây nhất với thành phần này diễn ra tại Kennedy Center và Thư Viện Quốc Hội Mỹ.

Ngoài ra Phong Nguyen Ensemble từng tham dự rất nhiều chương trình nhạc hội toàn quốc tại Hoa Kỳ, lần mới nhất tổ chức vào mùa hè năm 2004 với sự tham dự của hàng trăm nhạc sĩ cùng sự có mặt của trên 10 ngàn khán giả tại thành phố Bangor, tiểu bang Maine. Với Phong Nguyen Ensemble cung như với riêng cá nhân mình, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã thu thanh trên nhiều CD dưới những nhãn hiệu nổi tiếng chuyên về nền âm nhạc quốc tế, trong số có những CD mang tựa đề Musical Theater From Vietnam, Eternal Voices, Song Of The Banyan, Music From The Lost Kingdom Hue,Vietnam Music Of The Truong Son Mountains, vv…

Ngoài ra với công trình nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế về âm nhạc, trong đó giải National Heritage Fellow của chính phủ Mỹ đối với ông là một phần thưởng cáo quý nhất. Từ đó, ông đưa ra một nhận xét có phần tế nhị là ttrong khi người Mỹ rất quan tâm đến nền văn hoá truyền thống của các nước khác, trong đó có Việt Nam thì người Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ với nền văn hoá cổ truyền của mình. Do đó những chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc được tổ chức một cách rất hiếm hoi và cần đến sự nhiệt tình và hăng say của ban tổ chức. Và thực tế cho thấy số khán giả đến với những buổi tổ chức này có phần hạn hẹp…

Khi được hỏi thích sử dụng nhạc cụ nào  cũng như đam mê thể loại nhạc nào nhất trong số những thể loại như ca trù, cải lương, ca Huế, dân ca, Quan Họ Bắc Ninh hay nhạc lễ, v.v… giáo sư Nguyễn Thuyết Phong chỉ trả lời một câu vỏn vẹn là “tôi say mê tất cả”. Ông nhấn mạnh thêm…

Còn về hát bội, đối với ông còn là cả một vấn đề thích thú vì thể loại này gắn liền với âm nhạc nghi lễ  trong chùa, trong đền. Chính vì thế ông đã theo học từ khi còn nhỏ.

Riêng về nhạc Phật Giáo, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã bỏ ra trên 10 năm để tự mò mẫm nghiên cứu mà không có được một sự hướng dẫn nào. Ông bắt đầu thu thập những tài liệu ghi âm về âm nhạc Phật Giáo  của miền Nam và miền Trung, đặc biệt là nhạc Phật Giáo Huế  từ sau năm 1968. Và ông đã là sở hữu chủ một bộ sưu tập nhạc Phật Giáo đồ sộ trong lúc đó. Cũng từ sự nghiên cứu này, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã viết một quyển sách về sự tương quan giữa nhạc Phật Giáo và nhạc lễ Nam Bộ vào đầu thập niên 70 do nhà Sen Vàng ở Sài Gòn xuất bản.

Ông cũng thực hiện việc ghi âm các tụng niệm tại các chùa ở Nhật trong thời gian ở đây vào những năm 73, 74.  Do đó khi sang Pháp vào năm 75, ông đã được một nữ giáo sư, chuyên khảo cứu về nhạc tôn giáo và đặc biệt là nhạc Tin Lành, khuyên nếu có khả năng về nhạc Phật Giáo  thì tại sao không làm luận án tiến sĩ về đề tài này. Giáo sư Trần Văn Khê, trong thời gian đó làm việc ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Hoc Pháp cũng rất khích lệ ông trong việc này. Do đó ông đã tiến hành luận án tiến sĩ về đề tài “Âm Nhạc Phật Giáo Việt Nam Với Nhạc Phật Giáo Đại Thừa Của Các Quốc Gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc” để được chấm hạng tối danh dự của đại học Sorbonne năm 1982.

Trước thắc mắc về nguồn gốc của nhạc Phật Giáo, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho biết đã bắt nguồn từ tất cả những dân tộc chịu ảnh hưởng rất lớn của đạo Phật. Nên “Chính vì thế, âm nhạc Phật Giáo bắt nguồn từ dân tộc đó rồi phối ngẫu với  tinh thần, với tinh túy  về giáo lý của đạo Phật, đưa vào trong những lời tụng, lời tán để trở thành một hình thức  âm nhạc dân tộc và Phật Giáo”

Ông đưa ra thí dụ bằng cách so sánh giữa nhạc Phật Giáo Nhật Bản và Việt Nam để thấy không có sự tương đồng nào về làn điệu cũng như hệ thống hay thang âm. Điều này cho thấy đạo Phật có một sự hoà nhập với từng dân tộc, với từng nền văn hoá để trở thành một bản thể của dân tộc và nền văn hoá đó. Cũng từ đó ông kết luậnlà Nhạc Phật Giáo của mỗi dân tộc mang một sắc thái riêng biệt…

Về hình thức tạm gọi là đưa nhạc đời vào đạo bằng âm nhạc trong những nghi thức hành lễ  như một số tôn giáo khác, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đưa ra ý kiến là vấn đề này tùy thuộc vào ý thức và trí tuệ của những vị sư lãnh đạo các chùa,  để làm sao áp dụng được tinh thần âm nhạc  một cách đứng đắn trong  đạo Phật thì rất hay, như ông nói”Chẳng hạn như  một bài vọng cổ không phải là nhạc của  các sư viết ra, nhưng nếu  chúng ta ca một bài vọng cổ trong chùa  thì cũng được. Miễn lời ca, lời văn thể hiện được  tinh thần của đạo Phật thì  cũng tốt thôi. Bây giờ chúng ta ca một bài tân nhạc mà có tinh thần đạo Phật  trong chùa thì cũng chấp nhận được thôi”

Tuy nhiên dưới nhãn quan của một nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho là  từng “note” nhạc  đều có một giá trị  cần phải cân nhắc để đặt giá trị âm nhạc đúng chỗ. Thí dụ không thể đem nhạc Rock And Roll  là loại nhạc ồn ào  vào nghi lễ trong chùa chiền thì không thể thích hợp. Rõ rệt hơn nữa là “nếu chúng ta càng quan tâm hơn nữa  về giá trị đích thực của  âm nhạc đạo Phật là âm nhạc dân tộc thì  những yếu tố không dân tộc thì chúng ta phải đặt nó  ở vào một chỗ đúng  vị trí của nó chứ đừng có nhầm lẫn”, như ông nhận định.

Khi so sánh nhạc Phật Giáo với  những thể loại nhạc dân tộc cổ truyền khác, giáo sư Nguyễn Thuyết  Phong đưa ra những nét đặc biệt về kệ tụng cùng rất nhiều điệu Tán với những giai điệu trầm bổng khác nhau trong nghi lễ Phật Giáo. Những thể điệu này có những âm sắc và âm hưởng khác biệt hẳn với những thể loại nhạc khác. Theo ông, đó chính là điểm sáng tạo trong âm nhạc Phật Giáo của các vị sư  ngày xưa mà ông coi như những nhà làm âm nhạc lớn, khi viết ra không cần đến  bút hoặc ký âm pháp 5 dòng  nên đừng nghĩ rằng nếu viết nhạc giống Âu Châu mới gọi là sáng tác. 

Cũng nhân dịp trao đổi về nhạc dân tộc với TiVi Tuần San, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã đưa ra lời kêu gọi không nên tỏ ra cực đoan để cho rằng âm nhạc Việt Nam là cổ hủ hoặc là xưa,  cũ… Ông kết luận: “Hãy nghĩ rằng nếu chúng ta nắm được sự  hiểu biết, kiến thức  của nhạc dân tộc, chúng ta  mới thích, mới yêu và  mới quí. Để rồi thấy đó là cả một gia tài  lớn thì chúng ta không  nên cực đoan. Chúng ta tiến đến thế giới bằng bản sắc của chúng ta, chứ  không phải là học trò của những nước khác.Nếu không muốn nói chúng ta phải là người thầy của những nước khác. Hồn thiêng sông núi không cho phép chúng ta  tự ti mặc cảm là không có  nền âm nhạc của chính dân tộc Việt Nam.”

Cùng một lúc, ông khẳng định âm nhạc Phật Giáo Việt Nam là âm nhạc của dân tộc Việt Nam vì không thể nhầm lẫn với âm nhạc của các đạo Phật của các quốc giakhác. Ông cho âm nhạc Phật Giáó là “một đóng góp rất  vĩ đại  cho âm nhạc dân tộc Việt Nam”, do đó “phải hiểu nó với một trạng thái rất đặc biệt và chúng ta phải trân trọng nó. Nếu không,  tức là chúng ta đánh mất bản sắc của mình”

Đối với nhạc cổ truyền dân tộc nói chung, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho rằng muốn duy trì và bảo tồn một cách hữu hiệu nơi thế hệ trẻ, một trong những điều cần làm là tổ chức  thường xuyên những cuộc thi về nhạc dân tộc như  Giải Thưởng Vàng Nhạc Dân Tộc doTrung Tâm Giáo Dục Hồng Đức ở Montreal, Canada sắp thực hiện trong vài ngày tới với phần chung kết được diễn ra vào ngày 26 tháng 6 trong khuôn khổ chương trình Nhạc Phật Giáo “Nhánh Mai Sương”, có sự góp mặt đặc biệt của ông.

Với một người có tâm hồn  gắn bó với nhạc dân tộc suốt cả cuộc đời, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong mong thấy những buổi diễn thể loại nhạc này được tổ chức thường xuyên hơn, cùng với những cuộc thi với “những giám khảo  có khả năng nắm vững được vấn đề,  yếu tố của âm nhạc như thế nào để  chấm điểm thì chừng ấy chúng ta sẽ có một nền âm nhạc  dân tộc Việt Nam ở hải ngoại  phát huy tốt đẹp hơn. Đó là một điều tôi rất mong mỏi!”.

Trường Kỳ –  (TVTS – 1004)